2 tranh con giáp của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm lần đầu được trưng bày.
Các tác phẩm thuộc bộ sưu tập của nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên, do Nguyễn Tư Nghiêm vẽ bằng bột màu và màu nước trên giấy dó (đoạn 1993-2011).
Nguyễn Tư Nghiêm thường lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian, đem truyền thống dân tộc vào hội họa hiện đại. Các sáng tác đa dạng đề tài như đời sống làng quê, chân dung, khỏa thân, tranh họa Thúy Kiều – Kim Trọng. Ông còn thích vẽ các con giáp – biểu tượng về thời gian và tâm linh người Việt.
Tác phẩm “Nhâm Dần 2022”, kích thước 78×60 cm. Triển lãm tranh 12 con giáp của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm thuộc khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam, diễn ra tại Đà Lạt. Ảnh: Ánh Dương
Họa sĩ sáng tạo những loài vật đại diện cho từng năm âm lịch nhằm mong điều tốt đẹp cho tương lai, như Bính Tí 1996, Đinh Sửu 2005, Nhâm Dần 2022. Trong tác phẩm, danh họa sử dụng màu ngũ sắc, yếu tố của lá số tử vi, quẻ kinh dịch.
Ông chọn vẽ màu nước và bột màu trên giấy dó – loại giấy dùng trong mỹ thuật dân gian Việt Nam. Chất liệu có đặc tính xốp, thấm màu, khô nhanh đòi hỏi họa sĩ phải thao tác dứt khoát, chính xác. Trong bức Canh Thìn 2000, Nguyễn Tư Nghiêm vẽ năm mảng màu phía dưới tranh, tượng trưng các vòng ngoài của bảng tử vi. Hình dạng rồng trong tranh kết hợp màu vàng và đen, mang nét khỏe khoắn.
Giám tuyển Nguyễn Như Huy cho biết có cơ hội tìm hiểu sâu ý nghĩa trong tranh Nguyễn Tư Nghiêm khi được mời tham gia dự án. “Ông không chỉ là họa sĩ bậc thầy, hơn thế, bằng các suy tư, nghiên cứu ở góc độ văn hóa thị giác, Nguyễn Tư Nghiêm mở ra một cuộc đối thoại, phản biện về chủ đề bản sắc Đông – Tây”, Nguyễn Như Huy nhận định.
Ngày 13/3, ở buổi nói chuyện về triển lãm tại Đà Lạt, nghệ sĩ piano Trần Lê Bảo Quyên – chắt ngoại nhà văn Nguyễn Tuân ôn kỷ niệm về danh họa. Bảo Quyên cho biết thừa kế các tác phẩm từ mẹ – bà Lê Thị Xuân Hà. Là cháu của bà Thu Giang – vợ danh họa, bà Xuân Hà dành dụm tiền mua các tác phẩm từ vợ chồng ông vì đam mê hội họa.
Khi nhận được lời mời tham gia biểu diễn Lễ hội Âm nhạc cổ điển Việt Nam, Bảo Quyên đại diện gia đình giới thiệu bộ sưu tập, với mong muốn khán giả có dịp cùng thưởng thức âm nhạc và hội họa.
Với Bảo Quyên, ông Nguyễn Tư Nghiêm là người sống khép kín, cả cuộc đời chỉ đam mê nghệ thuật. Lúc Bảo Quyên 18 tuổi, cô du học Đức chuyên ngành biểu diễn piano. Khi chuẩn bị vali, nghệ sĩ xin mẹ mang những bức họa của Nguyễn Tư Nghiêm để bớt nhớ nhà. Lúc đó, bà Xuân Hà ngần ngại, sợ con không biết cách bảo quản tác phẩm. Nhưng sau khi Bảo Quyên thuyết phục, bà đồng ý, đưa cho con các bức tranh được cuộn gói cẩn thận.
“Tôi xem các tác phẩm của cụ Nghiêm quý hơn bất kỳ báu vật nào trên đời. Nhờ âm nhạc và những bức họa của cụ, tôi như được tiếp thêm năng lượng, vượt qua khó khăn nơi đất khách”, Bảo Quyên cho biết.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm sinh năm 1922, thuộc bộ tứ họa sĩ huyền thoại Việt Nam thế kỷ 20 “Nghiêm – Liên – Sáng – Phái” (Nguyễn Tư Nghiêm – Dương Bích Liên – Nguyễn Sáng – Bùi Xuân Phái). Với hội họa, ông có nhiều thể nghiệm, tìm tòi chất liệu sơn mài, tạo nên thay đổi cho sự phát triển sơn mài truyền thống nước nhà. Nguyễn Tư Nghiêm được trao giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt một năm 1996. Danh họa qua đời hồi tháng 6/2016 ở tuổi 94.